Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Sự khôn ngoan của Thánh Giuse – một góc nhìn của Tâm lý học trí tuệ hiện đại.

BBT HiepthongPhansinh
2024-03-19 22:27 UTC+7 77

Sự khôn ngoan của Thánh Giuse – một góc nhìn của Tâm lý học trí tuệ hiện đại.

untitled-1-1710861750.png



Mỗi năm, khi nhóm bạn bè họp nhau mừng lễ Thánh Giuse – bổn mạng của một vài anh em, có anh em vẫn “tưng tửng” phát biểu: “Thánh Giuse ngố thật!” và giải thích thêm: “Ngài dại gái thật!”.

Có thật thế không nhỉ?

Những ngày xây nhà, cũng có lúc mình nghĩ thế đó chứ! Con gái xin gì Ngài cũng cho. Con trai xin Ngài cứ “lờ tịt”. Cứ thử đến “Đền Công Chính –Bảy Hiền” thì rõ! Phần nhiều là đàn bà và con gái… hehehe…. Đúng quá đi chứ!

Còn mình, lúc đó, cũng là “hàng xóm láng giềng” với nhà Ngài đó chứ! Cũng năn nỉ, xin xỏ mỗi ngày! Cũng dự định xây tượng đài cho Ngài trong khu vực nhà thờ mới đó chứ! Thế mà, xin mãi mà cứ trục trặc suốt mấy tháng trời… hehehe..

Đã thế, lúc có tượng đài Ngài ngay tiền đình nhà thờ cách trang trọng, thế mà Ngài cũng để “khách không mời” vào “xơi” của mình cả “mớ to” nữa chứ! Chịu hết xiết!

Có thật thế không nhỉ?

Chắc Ngài đâu đến nỗi thế!

Bổn mạng của mình mà!

Mình phải chứng minh cho mọi người thấy, Thánh bổn mạng của mình cực kỳ khôn ngoan mới được; và sẽ chứng minh bằng tâm lý học trí tuệ hiện đại đàng hoàng nữa nhé!

Trước đây, nhiều người vẫn đánh giá một người là khôn ngoan dựa trên cái gọi là IQ (Intelligence Quotient – Chỉ số thông minh). Nhưng nay, đã khác rồi, theo tâm lý học trí tuệ hiện đại, wisdom của một người không chỉ tính bằng IQ nhưng còn được tính bằng nhiều chỉ số khác như:

IQ – Chỉ số thông minh (Intelligence Quotient)

EQ – Năng lực xúc cảm (Emotional Quotient)

CQ – Chỉ số sáng tạo (CreativeQuotient)

AQ: Chỉ số vượt khó (Adversity Quotient)

Gần đây còn có người nói tới:

CQ – Chỉ số tò mò – ham hiểu biết (Curiosity Quotient)

PQ – Chỉ số đam mê (Passion Quotient)

SQ – Thông minh xã hội (Social Quotient)

CQ – (Career Quotient)

MQ – (Moral Quotient)

Nhìn từ những chỉ số này, Thánh Giuse sẽ không “ngố ngố” như nhiều người vẫn tưởng. Thánh nhân quả là một con người Wisdom cực kỳ.

IQ, ban đầu, thường được coi là khả năng tư duy. Sau này, nhà tâm lý học Howard Garner đã mở rộng khái niệm IQ, và đưa ra lý thuyết đa trí tuệ với có 8 dạng thức thông minh khác nhau như: khả năng tính toán, năng lực ngôn ngữ, khả năng hiểu và xử lý tình huống, năng lực suy nghĩ logic, phản biện, sự nhạy bén trong suy nghĩ… và các yếu tố này đều ảnh hưởng đến thành công của một người.

Thánh Giuse chưa làm test đo thử IQ – thời Ngài đã có đâu! – nhưng những trang Tin Mừng ngắn ngủi về Ngài chứng tỏ Ngài có IQ tuyệt vời đó chứ!

Trước hết, vào thời Ngài, đa phần dân Do thái sống bằng nghề nông. Thế mà Ngài đã có khả năng nuôi sống gia đình bằng nghề thợ mộc, nghề mà đòi hỏi một thứ trí thông minh vừa trong cách tính toán, vừa trong mắt nghệ thuật, vừa trong sựkhéo léo… và Ngài đã thực sự nuôi sống được gia đình Nazareth xưa.

Kế đến, ngày Mẹ Maria sinh hạ Chúa Cứu Thế, Ngài cũng khả năng giúp mẹ sinh nở giữa đồng Belem bằng an đó chứ! Mấy người đàn ông thời nay có thể làm được?

Từ những ngày về quê kiểm tra dân số, tới những ngày nơi đất khách quê người, Ngài vẫn tiếp tục bảo bọc Thánh Gia vẹn toàn.

Ai dám bảo Ngài ngu ngơ?

Ít nói không có nghĩa là IQ thấp đâu nhé!

Đừng tưởng bở!

Cứ thử xem cách Ngài lý luận khi được báo đem Hài Nhi và Mẹ Người trở về quê vì “kẻ tìm giết Người đã chết” cũng đủ thấy rõ. Không thể về Belem, về Nazareth chắc ăn hơn, vì cha con nhà Herode như nhau cả. Và quả thực Herode con nào kém Herode cha về sự tàn ác….

Gần đây, càng ngày, người ta càng cho rằng EQ quan trọng hơn IQ. Thực tế cho thấy, những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất. Từ năm 1990, nhà tâm lý học Peter Salovey ở ĐH Yale và John Mayer ở ĐH New Hampshire đã đưa ra thuật ngữ Trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence, hoặc Emotional Quotient – EQ). Sau đó, Daniel Goleman đã nêu rõ, chỉ số EQ cho biết năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người trong cảm nhận, đánh giá, và điều khiển cảm xúc của bản thân, của người khác hay của một nhóm người.

Năng lực tự nhận biết cảm xúc bản thân giúp chúng ta hiểu rõ cảm xúc hiện tại của mình và giúp chúng ta nhận biết vai trò quan trọng của cảm xúc đối với kết quả công việc của mình. Biết tự đánh giá bản thân còn giúp chúng ta hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình, giúp chúng ta can đảm thể hiện những suy nghĩ chưa được chấp nhận, và dám một mình theo đuổi cái đúng. Trong khi đó, năng lực tự điều chỉnh giúp chúng ta kềm giữ mọi cảm xúc bốc đồng của bản thân, giữ được sự bình tĩnh, lạc quan ngay cảtrong những thử thách khó khăn nhất…

Cho tới ngày nay, người ta vẫn chưa đưa được một test đo lường chính xác chỉ số này. Thường các nhà chuyên môn vẫn dựa trên khái niệm về chỉ số này để đánh giá.

Nơi Thánh Giuse, có thể nói, xét theo khái niệm cũng cho thấy, EQ của Ngài cực kỳ cao.

Trước hết, việc Ngài dự định “bỏ trốn” khi biết Maria mang thai cho thấy rõ điều này. Ngài ý thức rõ mình là ai, mình sẽ đảm nhận được việc gì. Và khi nhận được lệnh truyền đó là công việc của Thiên Chúa, Ngài đã sẵn sàng đón nhận. Một con người biết mình, biết người và biết Thiên Chúa; để rồi sẵn sàng nhận và chia sẻ công việc với người khác và với Thiên Chúa. Nói cách khác, Ngài là một con người nhạy cảm.

Biết làm chủ cảm xúc, như đã nói, là đặc trưng của những người có EQ cao. Trong biến cố Chúa Giêsu bị lạc nơi Đền Thờ. Có lẽ, với những người đàn ông bình thường, việc “nổi khùng” với vợ con, trong trường hợp này, là bình thường; nhưng với Ngài, một sự bình tĩnh đến lạ lùng của một nhân cách có EQ cao…

Có khả năng trí tuệ (IQ) cao, có khả năng cảm xúc cao (EQ) xem ra cũng chưa đủ. Cần phải có khả năng để tạo nên cái mới mẻ từ những cái đã và đang có. Đó là khả năng sáng tạo. Có những người cho rằng chính sự sáng tạo mới làm cho người này khác với người khác và chính nó là cốt lõi của trí thông minh. Đó là lý do để nhà tâm lý học người Anh Harry Adler đưa ra một khái niệm mới, một tiêu chí đánh giá nữa, là Trí thông minh sáng tạo (Creative Intelligence – CQ).

Nơi Thánh Giuse, khả năng này cũng được bộc lộ rất rõ qua những biến cố được ghi lại trong Tin Mừng.

Trước hết, với biến cố về quê kiểm tra dân số. Không có nhà trọ ư? Quan trọng thật nhưng không phải là hết đường chọn lựa. Biến chuồng bò thành nhà ở ! Không có nôi cho con trẻ ư? Thì máng cỏ ! Lạnh ư? Ê mấy chú bò, nằm gần vào đây con!

Những ngày ở Aicập, Tin Mừng không nói rõ, ngài đã làm gì; nhưng rõ ràng, một mình Ngài đã xoay xở để dưỡng nuôi Hài Nhi và bảo bọc cả gia đình an toàn trở về quê. Đâu dễ gì!

Tất cả những điều này, cũng là để minh hoạ cho một chỉ số mới: AQ.

Khó khăn không thể đánh gục Ngài. Phải vượt qua khó khăn để chu toàn bổn phận đựơc giao phó!

Năm 1997, nhà tâm lý học Paul Stoltz (Mỹ), trong cuốn “Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities” (AQ: Biến trở ngại thành cơ hội), lần đầu tiên đưa ra 1 khái niệm mới: AQ. Theo ông, AQ là đại lượng đo khả năng đối diện, xoay sở và tìm đường đi mới của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn. Paul Sloltz nhận thấy, những người có AQ thấp thường dễ xúc động và dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ngược lại, những người có AQ cao sẽ ít khi đầu hàng và dễ dàng trở thành lãnh đạo trong tương lai.


Thế đấy!

Ai dám bảo là Thánh Giuse khờ dại!

Cái khờ của thánh nhân: khờ…ôn.. khôn!

Tự hào lắm lắm về Thánh Bổn Mạng của mình!

Xin Thánh nhân cho con 1 tí thôi sự khờ dại của Ngài.


bài gốc tại đây: toitocuaanhemviduckito

Chia sẻ

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.