Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 11. Hành động nhân đức

BBT HiepthongPhansinh
2024-03-14 23:07 UTC+7 99
Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại thính Đường Phaolô VI, Thứ tư, 13 tháng 3 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về hành động nhân đức.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!


Sau khi kết thúc phần tổng quan của chúng ta về những thói hư, bây giờ là lúc chúng ta nhìn vào hình ảnh phản chiếu, đối lập với trải nghiệm về cái ác. Trái tim con người có thể chiều theo những đam mê xấu xa, nó có thể chú ý đến những cám dỗ có hại được ngụy trang dưới lớp vỏ thuyết phục, nhưng nó cũng có thể chống lại tất cả những điều này. Dù điều này có khó khăn đến đâu, con người được tạo ra vì sự tốt lành, điều này thực sự làm họ thỏa mãn, và cũng có thể thực hành nghệ thuật này, khiến một số khuynh hướng trở nên thường trực trong họ. Suy gẫm về khả năng kỳ diệu này của chúng ta tạo thành một chương cổ điển trong triết học đạo đức: chương về nhân đức.


Các triết gia La Mã gọi nó là virtus, người Hy Lạp gọi là aretè. Thuật ngữ Latinh trước hết nhấn mạnh rằng người nhân đức là người mạnh mẽ, can đảm, có khả năng kỷ luật và khổ hạnh: do đó, việc thực thi các nhân đức là kết quả của quá trình nảy mầm lâu dài, đòi hỏi nỗ lực và thậm chí cả đau khổ. Thay vào đó, từ Hy Lạp, aretè, chỉ điều gì đó vượt trội, điều gì đó nổi bật, khơi gợi sự ngưỡng mộ. Do đó, người nhân đức không bị biến dạng bởi sự xuyên tạc mà vẫn trung thành với ơn gọi của mình, nhận thức đầy đủ về chính mình.


Chúng ta sẽ lạc lối nếu nghĩ rằng các vị thánh là ngoại lệ của loài người: một loại nhóm hạn chế gồm những nhà vô địch sống vượt quá giới hạn của loài người chúng ta. Từ góc nhìn chúng ta vừa giới thiệu về các nhân đức, các vị thánh đúng hơn là những người trở thành chính mình một cách trọn vẹn, hoàn thành ơn gọi riêng của mỗi người nam hay nữ. Thật là một thế giới hạnh phúc nếu công lý, sự tôn trọng, lòng nhân từ lẫn nhau, tinh thần cởi mở và hy vọng là những điều bình thường được chia sẻ chứ không phải là một điều bất thường hiếm gặp! Đây là lý do tại sao chương về hành động nhân đức, trong thời kỳ đầy bi kịch này của chúng ta, nơi chúng ta thường phải đối diện với những điều tồi tệ nhất của nhân loại, cần được mọi người khám phá lại và thực hành. Trong một thế giới méo mó, chúng ta phải nhớ đến hình dáng mà chúng ta đã được tạo dựng, hình ảnh của Chúa mãi mãi in sâu vào chúng ta.


Nhưng chúng ta có thể định nghĩa khái niệm nhân đức ra sao? Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cống hiến cho chúng ta một định nghĩa chính xác và súc tích: “Nhân đức là một khuynh hướng thường xuyên và vững chắc để làm điều tốt” (số 1803). Vì vậy, nó không phải là một món hàng ngẫu hứng hay có phần ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống một cách rời rạc. Lịch sử cho chúng ta thấy ngay cả những kẻ tội phạm, trong những lúc tỉnh táo cũng đã làm được việc tốt; chắc chắn những việc làm này đã được ghi vào “sách của Chúa”, nhưng đức hạnh lại là một điều khác. Đó là sự tốt đẹp bắt nguồn từ sự trưởng thành chậm rãi của con người, đến mức trở thành một đặc tính bên trong. Đức hạnh là thói quen của tự do. Nếu chúng ta được tự do trong mọi hành động và mỗi khi phải lựa chọn giữa thiện và ác thì đức hạnh chính là điều giúp chúng ta có xu hướng lựa chọn đúng đắn.


Nếu nhân đức là một món quà đẹp đẽ như vậy thì ngay lập tức nảy sinh một câu hỏi: làm sao có thể có được nó? Câu trả lời cho câu hỏi này không đơn giản, nó phức tạp.


Đối với người Kitô hữu, sự trợ giúp đầu tiên là ân sủng của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta là những người đã chịu phép rửa, tác động trong tâm hồn chúng ta để dẫn nó đến một đời sống nhân đức. Biết bao Kitô hữu đã đạt đến sự thánh thiện qua nước mắt, nhận ra rằng họ không thể vượt qua được một số điểm yếu của mình! Nhưng họ trải nghiệm rằng Chúa đã hoàn thành công việc tốt lành đó mà đối với họ chỉ là một bản phác thảo. Ân sủng luôn đi trước cam kết luân lý của chúng ta.


Hơn nữa, chúng ta không bao giờ được quên bài học rất phong phú từ túi khôn của người xưa, dạy rằng nhân đức sẽ phát triển và có thể trau dồi. Và để điều này xảy ra, ơn đầu tiên cầu xin Chúa Thánh Thần chính là sự khôn ngoan. Con người không phải là một lãnh thổ tự do để chinh phục những thú vui, cảm xúc, bản năng, đam mê mà không thể làm bất cứ điều gì để chống lại những thế lực này, đôi khi hỗn loạn, ngự trị bên trong. Hồng phúc vô giá mà chúng ta sở hữu là một tâm trí cởi mở, đó là sự khôn ngoan có thể học hỏi từ những sai lầm để điều hướng cuộc sống cách tốt đẹp. Sau đó, cần có thiện chí: khả năng lựa chọn điều tốt, rèn luyện bản thân bằng cách thực hành khổ hạnh, tránh xa những điều thái quá.


Anh chị em thân mến, đây là cách chúng ta bắt đầu hành trình nhân đức, trong vũ trụ thanh bình đầy thử thách nhưng có tính quyết định đối với hạnh phúc của chúng ta

Chia sẻ

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.