LÁ THƯ TRỢ UÝ THÁNG 07.2024
BBT HiepthongPhansinh
2024-07-08 08:26 UTC+7 115
HUYNH ĐỆ PHAN SINH, SỐ 367 THÁNG 07.2024
SỐNG LỄ TẾ TẠ ƠN[1]
Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao trong mọi chiều kích sống của người kitô hữu. Nơi bí tích Thánh Thể, người kitô hữu nhận lãnh được nguồn suối phong phú không chỉ nuôi dưỡng họ trong đời sống thiêng liêng, nhưng còn trong mọi khía cạnh của đời sống trần thế nữa. Vì thế, trong đời sống hằng ngày, người PSTT phải ưu tiên dành thời gian để sống thân tình với Thánh Thể, vì đây là cội nguồn của mọi công việc quý anh chị sẽ dấn thân trong bậc sống tại thế, giữa chợ đời huyên náo của xã hội hôm nay.
Ý nghĩa của Thánh Thể
[2]Thánh Thể là Mình và Máu thật của Chúa Kitô hiện diện thật sự với bản tính dưới hình bánh và rượu để tự hiến trong Thánh Lễ, và để mọi người rước lấy như lương thực thiêng liêng. Nguyên nghĩa Thánh Thể là ‘hành vi tạ ơn’ (Eucharistia), vì khi lập Bí tích ấy trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô đã dâng lời cảm tạ, và vì thế, đây chính là nội dung và là hành vi cao cả nhất của người kitô hữu đối với Thiên Chúa.
Có nhiều danh hiệu về bí tích Thánh Thể theo Truyền Thống[3]: Thánh Thể là Hy Lễ Tạ Ơn (Eucharistia); Bữa Ăn Của Chúa (Cena Domini); Lễ Bẻ Bánh (Fractio panis); Cuộc Tưởng Niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua (Anamnesis); Bí Tích Cực Thánh (Sanctissimum Sacramentum); Thánh Lễ (Sancta Missa); Bí Tích Tình Yêu (Sacramentum Caritatis); Bí Tích Cứu Độ (Sacramentum Redemptoris).
Thánh Phanxicô sống Bí tích Thánh Thể
Thánh Phanxicô là người có trực giác và cảm xúc diễn tả về Chúa rất mạnh và phong phú. Cách đặc biệt, đối với bí tích Mình Máu Chúa, ngài đã hết lòng sùng kính tôn thờ và mong muốn mọi người cũng có được cảm xúc như ngài. Chúng ta có thể thấy lòng sùng kính với bí tích Thánh Thể của ngài trong ba phương diện.
Lòng tin vào các Nhà Thờ
Đối với thánh Phanxicô, Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi nhưng đặc biệt và cụ thể đó là nơi các nhà thờ vì ngài tin rằng ở đó có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong Di chúc thánh Phanxicô xem lòng tin vào sự hiện diện của Chúa trong các nhà thờ là một ân ban “Chúa đã ban cho tôi lòng tin mạnh mẽ đối với các nhà thờ, vì thế tôi cầu nguyện một cách đơn sơ rằng: Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con thờ lạy Chúa trong hết mọi nhà thờ trên thế giới. Chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng cây Thánh giá mà cứu chuộc thiên hạ”[4]. Thánh Phanxicô chiêm ngắm và tôn thờ Thánh Thể, thánh giá trong nhà thờ vì ngài tin và ngài cũng nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện qua bàn tay của linh mục. Vì vậy cha thánh Phanxicô khuyên các tín hữu năng viếng các nhà thờ và tôn trọng các linh mục vì các ngài là thừa tác của Bí tích Thánh Thể “Chúng ta phải năng đi viếng các nhà thờ, tôn kính và quí trọng các giáo sĩ, không phải vì bản thân các ngài bao nhiêu vì các ngài có thể là những người tội lỗi, nhưng chính là vì thánh chức và nhiệm vụ của các ngài đối với Mình và Máu rất thánh của Đức Kitô mà các ngài dâng hiến trên bàn thờ, nhận lấy và ban phát cho kẻ khác. Tất cả chúng ta phải biết chắc rằng: không ai có thể được cứu độ nếu không phải là nhờ các lời thánh thiện và Mình Máu của Chúa Giêsu Kitô mà các giáo sĩ đọc, rao giảng và ban phát”[5].
Rất có thể lời khuyến dụ của cha thánh Phanxicô dành cho các tín hữu về việc năng chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong các nhà thờ đã trở thành một việc làm đạo đức được phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội. Vì vậy, việc viếng Thánh Thể hay viếng nhà thờ đã trở thành một hành vi đạo đức bình dân mang tính thường xuyên của các Kitô hữu trên khắp thế giới vì nó mang lại nhiều ơn ích cho phần linh hồn. Chẳng hạn việc viếng nhà thờ trong tháng 11, các tín hữu sẽ lãnh nhận ơn toàn xá và tiểu xá. Cách riêng với gia đình Phan Sinh đặc ân Porziuncula vào ngày 2 tháng 8 hằng năm.
Lòng tin vào các linh mục
Thánh Phanxicô không chỉ tôn sùng Bí tích Thánh Thể và tin thật đó là Mình và Máu Chúa Giêsu mà ngài còn đặt lòng tin vào thừa tác viên của bí tích này đó là các linh mục. Chính các linh mục và chỉ có các ngài mới có quyền truyền phép và trao ban Mình Máu Thánh Chúa cho người khác[6]. Đây là một đức tin vượt trội so với các lạc giáo thời bấy giờ vì họ cho rằng Thiên Chúa không hiện diện nơi các linh mục sống bê bối và tội lỗi[7] “Tôi muốn kính sợ, yêu mến và quý trọng các ngài cũng như tất cả các linh mục khác như là tôn chủ của tôi. Tôi không muốn xem xét tội lỗi của các ngài; vì tôi nhìn thấy Con Thiên Chúa hiện diện nơi các ngài”[8].
Thánh Phanxicô không bao giờ xét đoán đời sống luân lý của các linh mục vì ngài nhận thấy Chúa Kitô hiện diện trong các linh mục, dù cho cuộc sống của các vị ấy không xứng đáng và ngài cũng mời gọi các linh mục nhất là anh em linh mục trong Dòng hãy sống thánh thiện “Hỡi anh em linh mục, xin hãy nghĩ đến chức vụ cao trọng của anh em và hãy sống thánh thiện vì Thiên Chúa là Đấng thánh thiện. Thiên Chúa đã trọng đãi anh em hơn mọi người vì chức vụ ấy”[9].
Chính lòng tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô nơi các linh mục nên thánh Phanxicô luôn có thái độ tùng phục các linh mục “Dù tôi có khôn ngoan như Salômon, nếu tôi gặp các linh mục thấp kém ở thế gian này, tôi cũng không muốn giảng dạy trong giáo xứ của các ngài, nếu các ngài không chấp thuận”[10].
Rước lễ thường xuyên
Thời Trung Cổ, Bí tích Thánh Thể được xem như một biểu tượng để thờ lạy hơn là tiếp rước do đó người ta sợ chạy đến với bí tích này vì thấy mình bất xứng. Ngược lại cha thánh Phanxicô luôn sống kết hợp mật thiết Bí tích Mình Máu Thánh Chúa một cách sống động qua việc ngài thường xuyên tiếp rước Mình Thánh Chúa. Thánh Phanxicô quan niệm rằng “sẽ là một sự xúc phạm lớn đến với Bí tích này nếu không tham dự tất cả mọi ngày ít nhất một thánh lễ. Chính ngài rước lễ thường xuyên và lòng sùng mộ của ngài lôi cuốn được nhiều người”[11]. Như chúng ta biết quy định của Công đồng Latêranô IV (1215) mà thánh Phanxicô đã tham dự, mời gọi các tín hữu xưng tội một năm ít là một lần và rước lễ trong Mùa Phục Sinh vì khi đó tình trạng các tín hữu bỏ không rước lễ[12] rất nhiều. Điều này cho thấy thánh Phanxicô áp dụng quy định của Công đồng Latêranô IV triệt để và vượt qua lời khuyên của Công đồng.
Ngày hôm nay việc tham dự thánh lễ và tiếp rước Mình Thánh Chúa được khuyến khích nhưng vào thời đại thánh Phanxicô, Giáo Hội dường như không khuyến khích việc rước lễ thường xuyên mà chỉ khuyên rước lễ trong Mùa Phục sinh. Điều này cho thấy việc làm của thánh Phanxicô dường như đã đi ngược lại với quy định của công đồng Laterano và cảm thức của các Kitô hữu thời bấy giờ. Việc rước lễ thường xuyên của thánh Phanxicô như một lời tiên báo về việc canh tân của Giáo Hội đối với việc sống Bí tích Thánh Thể. Thực vậy, giáo huấn của Công đồng Vatican II dạy “Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham giữ thánh lễ hoàn hảo hơn, bằng cách sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Máu Chúa trong cùng một Hy lễ đó”[13]. Trong Huấn thị Bí Tích Cứu Chuộc, Thánh Bộ Phụng Tự cũng nhấn mạnh thêm việc rước lễ khi tham dự thánh lễ “…thật là tốt nếu những ai tham dự thánh lễ nên rước lễ trong buổi cử hành đó, miễn là họ hội đủ mọi điều kiện cho phép họ rước lễ”[14].
Tóm lại chúng ta có thể nói rằng thánh Phanxicô là người tiên phong cổ võ tôn thờ và sống kết hiệp với Bí Tích Thánh Thể trong thời đại của ngài. Điều này xuất phát lòng tin mạnh mẽ của ngài vào các Nhà Thờ, nơi có Chúa Giêsu hiện diện trên thánh giá, trong nhà tạm và nơi các linh mục, thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể trong Giáo hội hôm nay
Ngày nay Giáo hội tha thiết mời gọi và thúc giục con cái mình phải chạy đến với Bí tích thánh thể với thái độ tham gia tích cực chứ không phải là đi xem lễ. Thánh Công đồng Vaticano II khuyên các tín hữu “Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu đừng tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng nhờ hiểu thấu đáo mầu nhiệm đó qua nghi lễ và kinh nguyện sao cho họ tham dự hoạt động thánh cách ý thức, thành kính và linh động, cho họ được đào luyện bởi Lời Chúa, được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa”[15].
Đức giáo hoàng Benedicto XVI cũng đã đề cập về việc này trong Tông huấn hậu thượng Hội đồng Giám mục, Sacramentum Caritatis, về thái độ của các tín hữu khi tham dự thánh lễ “Thật là ý nghĩa khi cùng những lời đó đã được lặp lại trong mỗi lần cử hành Thánh Lễ, lúc linh mục mời gọi chúng ta tiến đến bàn thờ ‘Đây Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự bữa tiệc của Người’. Chúa Giêsu là con chiên vượt qua đích thực đã tự nguyện hiến mình để cứu chuộc chúng ta, và vì thế đã thực hiện giao ước mới và vĩnh cửu. Bí Tích Thánh Thể chứa đựng tính mới mẻ trọn vẹn được ban cho chúng ta mỗi khi cử hành”[16].
Người PSTT sống lễ tế tạ ơn
Người PSTT sống lễ tế tạ ơn không chỉ trong Thánh Lễ mà còn bằng việc khám phá Chúa Kitô đang sống và hành động trong bốn đối tượng: tha nhân, Kinh thánh, Hội Thánh và phụng vụ[17]. Tổng Hiến Chương cũng dạy quý anh chị “Lễ tế tạ ơn là trung tâm đời sống Hội Thánh. Nhờ bí tích này, Đức Kitô kết hợp chúng ta với Người và nối kết chúng ta thành một thân thể duy nhất. vậy Lễ tế tạ ơn sẽ là trung tâm của đời sống huynh đệ đoàn; anh chị hãy năng tham dự Lễ tế tạ ơn càng nhiều càng tốt và nhớ lại lòng tôn kính và lòng yêu mến Thánh Thể của thánh Phanxicô, là người sống tất cả các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô trong bí tích này”[18].
Tóm lại người PSTT phải luôn ưu tiên dành thời gian của ngày sống để đến với Bàn Tiệc Mình và Máu thánh nhờ đó quý anh chị được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và để được Người thánh hóa toàn bộ ngày sống của quý anh chị.
Ts. Lm An tôn Nguyễn Trung Trực OFM
[1] LPstt 4.
[2] Từ Điển Công Giáo, Tập II, Thánh Thể, Trg 279
[3] Paul Vũ Chí Hỷ, Thần Học về Bí Tích Thánh Thể, trg 7-10.
[4] Tác phẩm của thánh Phanxico Assisi, DC 4, dịch giả Norberto Nguyễn Văn Khanh, Vp. Tỉnh Dòng, 2019.
[5] Tác phẩm của thánh Phanxico Assisi, 2TTh 33-35.
[6] X. Tác phẩm của thánh Phanxicô Assisi, 2TTh, 35.
[7] X. Nguyễn Văn Khanh, Chúa Giêsu Kitô trong tư tưởng thánh Phanxicô Asissi, dịch giả Nguyễn Gia Thịnh dịch, Tủ sách Phansinh, 2003, trang 341.
[8] Tác phẩm của thánh Phanxico Assisi, DC 9.
[9] Tác phẩm của thánh Phanxico Assisi, TTd 23.
[10] Tác phẩm của thánh Phanxico Assisi, DC 7.
[11] 2Cel 201.
[12] Nguyễn Văn Khanh, Chúa Giêsu Kitô trong tư tưởng thánh Phanxicô Asissi, tr. 329.
[13] Vaticano II, Hiến chế Phụng vụ thánh, số 5.
[14] Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích, Huấn thị Bí tích Cứu chuộc, năm 2004, số 83.
[15] Vaticano II, Hiến chế Phụng vụ thánh, số 48.
[16] Đức giáo hoàng Benedicto XVI, Sacramentum Caritatis (bí tích Tình yêu), số 9.
[17] LPstt 5.
[18] THC 14 §2.
Chia sẻ
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.